Khu phía Đông vốn có địa thế cao nhất Hà Nội, lại được quy hoạch khá bài bản do có lợi thế đi sau, dư địa đất đai còn nhiều nên đang được các chuyên gia kỳ vọng trở thành tương lai phát triển của Thủ đô trên góc nhìn địa kinh tế.
Tương lai thuộc về khu Đông
Dù bây giờ đã trở thành “chuyện đã rồi”, nhưng GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn tỏ rõ sự tiếc nuối khi quan điểm của ông về phương án mở rộng Hà Nội sang phía Đông không được chấp thuận. Phương án “lấy sông Hồng đặt giữa Hà Nội, mở rộng phía Đông hơn, mở từ Ba Vì tới Hưng Yên, giáp đền Chử Đồng Tử” được ông Võ cho là “phương án sáng nhất” trong 5 phương án mở rộng Thủ đô được đưa ra lấy ý kiến cách đây hơn 10 năm.
“Phát triển theo trục dọc sông Hồng là phong thủy bền vững, địa thế tụ người, tụ việc nên rồi sẽ trở thành một cực phát triển sầm uất theo một cách rất tự nhiên”, ông Võ nhận xét, đồng thời cho rằng, phát triển sau có thể lại chính là lợi thế của khu Đông vì địa bàn này còn dư địa tương đối rộng rãi để định hình những nét vẽ quy hoạch hiện đại, khoáng đạt.
Trên thực tế, đã có một thời gian rất dài, người Hà Nội quen tập quán “ngại sang sông”, ngại hướng về phía Đông dù khu vực này là khu đất cao, hiếm khi ngập lụt. Vài năm nay, “định kiến” này đã thay đổi mạnh mẽ, từ các nhà quản lý các cấp đến người dân, khi hạ tầng kết nối khu Đông với nội đô và khu Đông với các địa phương vệ tinh, đặc biệt là kết nối tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã có một diện mạo tươi mới hơn hẳn.
Từ bộ đôi Quốc lộ 5A và Quốc lộ 5B (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) đến đường Vành đai 3,5 kết nối đến các khu vực Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông và Thanh Trì và non chục cây cầu hiện tại cũng như trong tương lai gần “chăng như mắc cửi” giữa hai bờ sông Hồng về hướng Đông như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành năm 2023, cầu Mễ Sở, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo… toàn những cây cầu (nhiều) ngàn tỷ hiện đại chắc chắc sẽ hình thành “một siêu kết nối và từ đó tạo ra giá trị địa kinh tế cực lớn cho khu Đông” như góc nhìn của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.
“Trong chừng mực nào đó, theo tôi, tương lai hướng nhìn của Thủ đô là phía Đông”, ông Ánh nhận xét và với góc nhìn rộng hơn, vị chuyên gia này còn cho rằng, Hà Nội phát triển hướng Đông còn là một bước hiện thực hóa tư duy hướng biển của nền kinh tế Việt Nam.
“Không thể hướng vào núi để phát triển kinh tế biển. Tại bờ Đông sông Hồng, ta đi 1 tiếng là tới biển, đó là hướng đi kéo những người ở biển tới Hà Nội và ngược lại, kéo người Hà Nội ra biển, tiếp cận với điều ta muốn là kinh tế biển”, ông Ánh phân tích.
Theo vị chuyên gia này, khi làm được cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tiếp theo là cao tốc Hải Phòng – Bãi Cháy, chúng ta mới chính thức tạo được kết nối tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, điều đã nói từ hàng chục năm trước. Kết nối đó hiện kéo thẳng tới Móng Cái, khiến tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trở nên hoàn hảo hơn.
“Việc phát triển ra hướng Đông là tận dụng kết nối đó và tư duy tạo dựng chuỗi đô thị để tạo ra một hệ tiện ích, hạ tầng xã hội đầy đủ cũng như kết nối với hạ tầng giao thông hướng biển là một tư duy rất sáng”, ông Ánh cho biết và đánh giá rất cao chuỗi đô thị Vinhome Ocean Park 1-2-3 mà Vinhomes đang phát triển theo hướng này.
Theo ông Ánh, một quần thể đô thị hơn 1.200 ha, tức là gấp đôi quận Hoàn Kiếm, tạo ra không gian sống cho hơn 400.000 cư dân tự bản thân nó đã tạo ra giá trị của một thành phố riêng biệt. Chưa kể, chuỗi đô thị này còn mang giá trị tiên phong, tạo lập đẳng cấp một đô thị vệ tinh hiện đại của Hà Nội, bởi từ góc nhìn thị trường, những chủ đầu tư đi sau cũng phải tạo lập các không gian sống và làm việc ở khu Đông có đẳng cấp tương đương mới có thể bán được hàng và thu hút cư dân về đây sinh sống, làm việc.
“Tôi đã tiếp xúc với nhiều cư dân Vinhomes Ocean Park 1, tại đây có góp mặt đủ dân cư Đồng bằng Bắc Bộ, từ Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh…, như vậy là xứng với ‘nơi hội tụ’ khi ta phát triển sang bờ Đông”, TS. Vũ Đình Ánh nói và tiết lộ thêm rằng, bản thân ông cũng là một cư dân Vinhomes Ocean Park 1 và mấy tháng qua, dù thị trường bất động sản gặp nhiều biến cố, nhưng ông vẫn nhận nhiều cuộc điện thoại xin thuê lại với giá hấp dẫn.
Sức hút Thành phố bờ Đông
Xác nhận câu chuyện của chuyên gia Vũ Đình Ánh, ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Kinh doanh vùng 1 Vinhomes tiết lộ, năm 2018, sàn của ông bán biệt thự, shophouse tại dự án Vinhomes Ocean Park 1 khá trầy trật dù lượng hàng ít, giá chỉ 7-9 tỷ đồng/căn. Nhưng chỉ sau 3 năm, các sản phẩm tại đây đã tăng giá trung bình 2,5 lần, những căn biệt thự vị trí đẹp còn tăng trên 3 lần và đạt mức trên dưới 400 triệu đồng/m2.
“Vinhomes Ocean Park 1 hiện đã có gần 50.000 cư dân về sinh sống chỉ sau 3 năm – một kỷ lục của thị trường, nhưng với Vinhomes Ocean Park 2 và 3, tiến độ hình thành cộng đồng dân cư sẽ còn thần tốc hơn nhiều”, ông Nghĩa kể trên chuyến xe đi thăm quan đại dự án với trùng trùng điệp điệp cần cẩu, máy móc trải dài trên hàng trăm héc-ta.
Nhìn các dãy nhà lưu trú dành cho công nhân to cỡ vài sân bóng có thể ước đoán trong cái “tổ ong” khổng lồ này có hàng vạn “chú ong thợ” cần mẫn ngày đêm. Lượng nhân lực và máy móc ấy tạo ra những thay đổi lớn của bộ mặt Vinhomes Ocean Park 2-3 tính theo tuần như mô tả của ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch Vietstar Land – một trong những nhà bán hàng của dự án.
“Từ khi công trường khởi công, mỗi tháng tôi sang đây 10 lần, nhưng lần nào cũng giật mình về tiến độ”, ông Khiêm cho biết và kỳ vọng với xu hướng dịch chuyển từ “Old Town” sang “New City”, chỉ một thời gian ngắn nữa, khu vực này sẽ trở thành “mặt tiền mới” của Hà Nội.
Chia sẻ rằng tốc độ xây dựng Vinhomes Ocean Park 2 và 3 sẽ là những kỷ lục mới về tiến độ triển khai dự án của Vinhomes, ông Nghĩa thông tin thêm rằng, tư duy phát triển hệ tiện ích và không gian sống tại Vinhomes Ocean Park 2 và 3 đã được thay đổi hoàn toàn để không chỉ cư dân, mà du khách đến đây cũng có thể vui chơi, thư giãn, lưu trú với những tiện ích tương đương với tiện ích tại resort.
“Vì thế cho nên dù chưa hoàn thiện, nhưng hiện Vinhomes Ocean Park 2 mỗi ngày đón khoảng 1.000 khách đến bơi lội, thăm thú, ăn uống, ngày cuối tuần con số này tăng gấp đôi”, ông Nghĩa cho hay.
Mô hình chuỗi đô thị đa trung tâm, đa tiện ích cũng là tương lai phát triển đô thị được Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu tâm đắc khi cho rằng, đó là con đường tốt nhất để tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai, tiết kiệm nguồn lực xã hội dành cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội.
Dẫn câu chuyện trẻ em một số phường đông dân nội đô Hà Nội phải bốc thăm để “giành” suất đi học lớp mầm, theo ông Châu, những sự quá tải này sẽ dễ dàng được giải quyết với mô hình đô thị chuỗi.
“Chuỗi đô thị Vinhomes Ocean Park lớn gấp 3 lần Phú Mỹ Hưng với hàng trăm ngàn cư dân sẽ tự nó tạo ra nhu cầu lớn về cuộc sống, vui chơi, giải trí, học tập, khám chữa bệnh… ngay trong nội khu và khi đã có cầu đủ lớn, cung chất lượng sẽ tự nhiên xuất hiện một cách rất bền vững mà không cần một sự can thiệp hành chính nào cả”, ông Châu phân tích.
Quan điểm đó cũng được GS. Đặng Hùng Võ đồng tình khi cho rằng, phong thủy đúng cho phát triển đô thị chính là phải quy hoạch các đô thị vào đúng “ngữ cảnh” phát triển thuận tự nhiên rồi… “nhấn nút” và rồi mọi thứ sẽ diễn tiến tuần tự, thuận hòa.
“Hà Nội chắc chắn sẽ phát triển theo hướng tỏa ra hai bờ sông Hồng, nơi có những dải đất cao, thoáng, mạch lạc. Đó là địa thế theo phong thủy là bền vững, chắc chắn nhất”, ông Võ nhận xét.
Theo tinnhanh